Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá sự thật đằng sau việc kỳ thị dân nhập cư ở Thụy Sĩ và tại sao nhiều người lại cảm thấy mình không được chào đón ở đây. Hãy cùng mình đi sâu vào những lý do và tìm hiểu cách mà người nhập cư có thể đối mặt với thách thức này nhé.
Thụy Sĩ là một quốc gia nhỏ nhưng lại có sự đa dạng về dân số đáng kinh ngạc. Hiện nay, gần 25% dân số Thụy Sĩ là người nhập cư, con số này rất lớn so với nhiều nước khác. Người nhập cư đến Thụy Sĩ từ khắp nơi trên thế giới, phần lớn là từ các nước châu Âu như Đức, Pháp, Ý, nhưng cũng có rất nhiều người đến từ châu Á, châu Phi và các quốc gia khác. Họ đến đây với mong muốn tìm kiếm cơ hội làm việc, có cuộc sống tốt hơn, và tất nhiên là hưởng những quyền lợi xã hội mà Thụy Sĩ cung cấp.
Những nỗi sợ ở Thụy Sĩ
1. Nỗi sợ khi mất việc làm ở Thụy Sĩ
Một trong những lý do chính khiến người nhập cư ở Thụy Sĩ bị kỳ thị là nỗi lo sợ mất việc làm. Nghe có vẻ bất ngờ, nhưng thực tế là, dù Thụy Sĩ có nền kinh tế rất mạnh, với tỷ lệ thất nghiệp thấp, nhưng sự cạnh tranh trong thị trường lao động ở đây vẫn rất khốc liệt.
Đặc biệt, với sự gia tăng của người nhập cư, nhiều người dân bản địa cảm thấy họ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết.
Đối với những người nhập cư có trình độ cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng hay công nghệ, họ có xu hướng dễ dàng tìm được việc làm tốt. Điều này khiến một số người Thụy Sĩ, đặc biệt là người lao động có tay nghề thấp hoặc trung bình, cảm thấy lo lắng. Họ sợ rằng người nhập cư sẽ chấp nhận làm việc với mức lương thấp hơn hoặc có thể dễ dàng thay thế vị trí của họ trong công ty.
2. Nỗi sợ về khác biệt văn hóa ở Thụy Sĩ
Bên cạnh nỗi lo về việc làm, một lý do lớn khác dẫn đến sự kỳ thị ở Thụy Sĩ chính là sự khác biệt về văn hóa. Người Thụy Sĩ rất tự hào về văn hóa của họ, đặc biệt là sự đa dạng về ngôn ngữ và truyền thống lâu đời. Thụy Sĩ có đến bốn ngôn ngữ chính thức: tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý và Romansh. Tùy vào khu vực bạn sống mà bạn sẽ phải sử dụng một trong những ngôn ngữ đó. Đây là điều khiến nhiều người nhập cư gặp khó khăn trong việc hòa nhập, bởi vì nếu bạn không biết ngôn ngữ địa phương, bạn sẽ cảm thấy như một người ngoài cuộc.
Người Thụy Sĩ rất coi trọng việc giữ gìn truyền thống và văn hóa của mình, và họ có xu hướng đánh giá cao những ai học và tôn trọng ngôn ngữ, văn hóa địa phương. Nhưng nếu bạn không cố gắng hòa nhập, không học tiếng địa phương, hoặc tỏ ra không quan tâm đến văn hóa của họ, bạn sẽ dễ bị coi là “người ngoài” và bị phân biệt đối xử.
Dù không thể phủ nhận rằng có sự kỳ thị đối với người nhập cư ở Thụy Sĩ, nhưng điều quan trọng cần phải hiểu là mức độ và hình thức kỳ thị khác nhau tùy thuộc vào từng người và từng vùng. Kỳ thị không phải lúc nào cũng lộ liễu, nhưng có thể được thể hiện qua những hành động nhỏ hàng ngày – những ánh mắt lạnh lùng, sự phân biệt trong công việc hoặc những lời nhận xét tiêu cực về người nước ngoài.
Ở các thành phố lớn như Zurich hay Geneva, nơi có nhiều người nhập cư, sự phân biệt có thể ít rõ rệt hơn do dân số đa dạng và cởi mở hơn. Tuy nhiên, ở các khu vực nông thôn hoặc thị trấn nhỏ, nơi mà số lượng người nhập cư ít hơn, bạn sẽ dễ dàng nhận ra cảm giác bị cô lập hoặc thậm chí là bị xem thường. Và ĐQT cũng nhận một thực tế là, không phải ai ở các nước tiên tiến cũng biết Việt Nam hay phân biệt được giữa các quốc gia châu Á. Nhiều người trong số họ còn chưa bao giờ ra khỏi làng của mình, họ không hiểu Việt Nam là một quốc gia độc lập và đang phát triển mạnh mẽ. Ở một khía cạnh nào đó, tôi nghĩ điều này cũng giống như nhiều người Việt Nam khi sang nước ngoài chỉ sống trong cộng đồng người Việt, không có điều kiện để giao tiếp và hiểu biết về thế giới bên ngoài.
3. Lời khuyên cho mọi người khi có ý định đi Thụy Sĩ
Một điều mà tôi luôn khuyên các bạn trẻ đang có ý định đi nước ngoài để “đổi đời” là: Hãy luôn chừa cho mình một con đường về. Đừng nghĩ rằng việc lấy quốc tịch ở nước ngoài sẽ giúp bạn có cuộc sống dễ dàng hơn. Nếu bạn biết làm việc và kiếm tiền, thì ở đâu bạn cũng có thể sống tốt. Tuy nhiên, nếu bạn đã có một cuộc sống ổn định và tốt đẹp ở Việt Nam, thì việc ra nước ngoài có thể là một sự đánh đổi lớn.
Ở Việt Nam, bạn có thể có cảm giác mình đang sống như “bà hoàng”, nhưng khi ra nước ngoài, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách mới.
=> Cuối cùng, dù sống ở đâu, điều quan trọng là bạn phải tìm thấy sự hạnh phúc và thoải mái cho chính mình. Đừng quên rằng, quê hương luôn là nơi bạn có thể quay về khi cần, và đó có lẽ là giá trị quý giá nhất mà chúng ta có được.
* Link youtube:https://www.youtube.com/@daoquangtrung
* Link website: https://daoquangtrung.com/
“Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc hết bài viết này. Hy vọng bạn đã tìm thấy thông tin hữu ích. Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ với những người khác và đừng quên ghé thăm trang website và kênh youtube thường xuyên để cập nhật thêm nhiều thông tin mới!